loading

Paleozoi (Nguyên đại – Giới) / Tống, Duy Thanh

Tác giả : Tống, Duy Thanh

Nhà xuất bản : H. : ĐHQGHN

Năm xuất bản : 2017

Chủ đề : 1. Hiện tượng tuyệt chủng sinh giới trong Paleozoi. 2. Paleozoi ở Việt Nam. 3. Sự biến đổi khí hậu trong Paleozoi. 4. Tiến hóa sinh giới trong Paleozoi. 5. Article.

Thông tin chi tiết

Tóm tắt :

Nguyên đại Paleozoi (hay nguyên đại Cổ sinh) là một giai đoạn lớn trong lịch sử Trái Đất kéo dài gần 300 triệu năm (bắt đầu từ cách nay 542 tr. năm và kết thúc cách nay 251 tr. năm). Paleozoi là nguyên đại đầu của Liên nguyên đại Phanerozoi, tiếp nối nguyên đại Neoproterozoi và sau nó là nguyên đại Mesozoi (Trung sinh) rồi đến Kainozoi (Tân sinh). Nét đặc trưng của nguyên đại này là có thế giới sinh vật cổ xưa, tên gọi nguyên đại Paleozoi hay nguyên đại Cổ sinh cũng thể hiện đặc điểm này – tên gọi Paleozoi xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ: palaios (παλαιός) là “cổ xưa” và zoe (ζωή) – “sự sống”). Nhờ phát hiện nhiều hóa thạch bảo tồn tốt trong đá mà lịch sử Paleozoi được nghiên cứu chi tiết hơn hẳn các giai đoạn dài trước đó của lịch sử Trái Đất. Nguyên đại Paleozoi được phân làm 6 kỷ, từ cổ đến trẻ gồm các kỷ Cambri, Ordovic, Silur, Devon, Carbon và Permi. Các đá được hình thành trong mỗi kỷ được gọi là hệ và hệ có cùng tên với kỷ, do đó các hệ cũng có tên gọi là Cambri, Ordovic, Silur, Devon, Carbon và Permi. Trong Paleozoi, chuyển động của các mảng thạch quyển đã làm thay đổi bề mặt Trái Đất và theo đó là sự thay đổi các đại dương làm cho các dòng biển và khí quyển cũng thay đổi. Tất cả những sự thay đổi này dẫn đến thay đổi điều kiện môi trường sống, làm động lực cho sự biến đổi và tiến hóa thế giới sinh vật. Nhiều sự kiện kiến tạo lớn đã diễn ra trong Paleozoi. Từ Cambri các mảng thạch quyển tách ra từ siêu lục địa Pannotia (ở cuối nguyên đại Neoproterozoi) hình thành lục địa Gondwana ở bán cầu nam và các lục địa Baltica, Laurasia và Siberia ở bán cầu bắc, cách nhau bằng các đại dương (như Iapetus, Rhea). Chuyển động hội tụ và tách dãn các mảng thạch quyển lại làm cho các lục địa nói trên di chuyển xích lại gần nhau, dẫn đến các mảng xô húc nhau tạo thành hoạt động tạo núi Caledoni trong các kỷ Ordovic và Silur. Cũng tương tự như vậy, quá trình chuyển động hội tụ các mảng tiếp diễn trong các kỷ Devon, Carbon và Permi, dẫn đến hoạt động tạo núi Hercyni (hay Varisi) ở cuối nguyên đại Paleozoi. Các mảng lục địa liên kết với nhau để cuối nguyên đại hình thành một siêu lục địa duy nhất trên bề mặt Trái Đất gọi là Pangea (Toàn lục). Khi đó, trên bề mặt Trái Đất cũng chỉ có một đại dương duy nhất và khổng lồ gọi là Panthalassa (Toàn đại dương) bao quanh siêu lục địa Pangea.

 Thông tin dữ liệu nguồn

 Thư viện  Ký hiệu xếp giá  Dữ liệu nguồn
Đại học quốc gia Hà Nội
https://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/18058