loading

Permi (Kỷ - Hệ) / Tống, Duy Thanh

Tác giả : Tống, Duy Thanh

Nhà xuất bản : H. : ĐHQGHN

Năm xuất bản : 2017

Chủ đề : 1. Cổ địa lý và hoạt động kiến tạo. 2. Hiện tượng tuyệt chủng cuối Permi. 3. Permi ở Việt Nam. 4. Sinh giới trong Permi. 5. Article.

Thông tin chi tiết

Tóm tắt :

Kỷ Permi dài 48 triệu năm, từ cách nay 299 triệu năm đến cách nay 251 triệu năm. Hệ Permi do nhà địa chất Anh R. Murchison xác lập (1841) trên cơ sở nghiên cứu mặt cắt ở vùng Permi thuộc dãy núi Ural của Nga. Sự phân chia hệ Permi thành 2 thống thượng và hạ được thừa nhận suốt từ khi thành lập cho đến hết thế kỷ 20, nhưng gần đây các nhà địa chất đã thống nhất phân hệ này thành ba thống và 9 bậc [Bảng 1], trong đó Permi hạ (Cisural) gồm 4 bậc theo các mặt cắt chuẩn của truyền thống Nga (từ dưới lên trên gồm Assel, Sakmar, Artinski và Kungur); Permi trung (Guadalup) gồm ba bậc theo các mặt cắt điển hình ở Mỹ (Roadi, Wordi và Capitan); Permi thượng (Loping) gồm hai bậc theo mặt cắt chuẩn ở Trung Quốc (Wuchiaping và Changhsing). Tuy việc phân chia địa tầng như vừa nêu đã được Ủy ban Địa tầng Quốc tế thông qua, nhưng gần đây trên cơ sở những kết quả nghiên cứu mới, trong giới khoa học địa chất xuất hiện những những ý kiến tiếp tục thảo luận về việc định tuổi của Permi thượng và về ranh giới giữa các hệ Permi và Trias. Ranh giới Permi/Trias hiện nay đã được xác định theo đới Răng nón Hindeodus parvus và lần đầu được nghiên cứu theo mặt cắt Meishan ở Nam Trung Quốc. Nhờ xác định này việc đối sánh địa tầng về ranh giới Permi/Trias được khẳng định trên toàn cầu, đồng thời cũng khẳng định được sự tuyệt chủng cuối Permi xẩy ra trước khi xuất hiện đới Hindeodus parvus, tức trong bậc (thời) Changhsing của Permi thượng (muộn). Nhờ có tầng tro núi lửa xen giữa những lớp trầm tích chứa hoá thạch ở mặt cắt Meishan và nhờ việc xác định khoảng ranh giới bằng phương pháp 206Pb và 238U trong khoáng vật zircon, người ta đã xác định ranh giới này là 251,2 ± 3,4 triệu năm và số liệu chính xác hơn nữa là 251,4 ± 0,3 triệu năm. Nét đặc trưng của kỷ Permi là: 1) Sự hoàn thiện siêu lục địa Pangea do sự sát nhập các lục địa Gondwana và Laurasia (gồm các lục địa Laurentia, Baltica và Siberia đã gắn kết nhau trong các thời gian khác nhau của Paleozoi) và Kazakhstania. 2) Cùng thời với hiện tượng hình thành siêu lục địa Pangea là sự hoàn thành về cơ bản hoạt động tạo núi Varisci (pha Ural). 3) Sự diệt chủng lớn nhất trong lịch sử địa chất diễn ra ở cuối kỷ làm cho sinh giới có sự thay đổi rất lớn – các nhóm sinh vật đặc trưng của Paleozoi bị tuyệt chủng gần hết, sau đó xuất hiện những nhóm sinh vật mới.

 Thông tin dữ liệu nguồn

 Thư viện  Ký hiệu xếp giá  Dữ liệu nguồn
Đại học quốc gia Hà Nội
https://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/18061