BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ TÁC ĐỘNG ĐẾN ĐỘNG VẬT ĐÁY TRONG HỆ SINH THÁI RỪNG NGẬP MẶN VEN BIỂN / Đỗ Văn Nhượng
Tác giả : Đỗ Văn Nhượng
Nhà xuất bản : NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT
Năm xuất bản : 2011
Chủ đề : 1. Biến đổi khí hậu. 2. Hệ sinh thái. 3. Article.
Thông tin chi tiết
Tóm tắt : | Biến đổi khí hậu là thách thức nghiêm trọng nhất đối với nhân loại và sinh vật trên Trái đất, làm thay đổi toàn diện đời sống xã hội toàn cầu. Việt Nam là một trong năm quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng (Võ Quý, 2009). Các biểu hiện của biến đổi khí hậu có thể nhận thấy ở các tác động điển hình như nhiệt độ gia tăng, mực nước biển dâng lên, thay đổi chế độ và lượng mưa, gia tăng tần suất thiên tai, thời tiết cực đoan gây xáo trộn môi trường... (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2009). Tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu và gia tăng các thời tiết bất thường dễ nhận thấy nhất là vùng ven biển và cửa sông, các hệ sinh thái ven bờ và hải đảo. Trong vùng nước nông của ven biển nhiệt đới và cận nhiệt đới, có hai quần xã rất đặc trưng, cần được chú ý, là rừng ngập mặn và các rạn san hô (Coral reef) (Cao Lệ Quyên, 2011). Các rạn san hô thường ở xa bờ, các rừng ngập mặn thường gắn với ven bờ và cửa sông. Hai quần xã này góp phần quan trọng đối với việc lấn dần của bờ ra biển và tạo nên các đảo ngoài khơi, đồng thời, cũng là nhóm chỉ thị cho môi trường ven biển khi thay đổi. Rừng ngập mặn được tạo nên do các loài cây ở cạn có khả năng chịu được độ mặn của nước biển, lầy thụt của đất nền và yếm khí của nền đáy, vì vậy, mỗi cây ngập mặn phải thích nghi cao với môi trường này, hình thành nên rễ chống (như cây Đước – Rhizophora), rễ thở (cây Mắm biển – Avicennia, cây Bần – Sonneratia), rễ đầu gối (các loài thuộc chi Bruguira)... Các rễ cây đã làm chậm dòng chảy của thủy triều, tạo điều kiện lắng đọng bùn, các chất hữu cơ lơ lửng, các lá rụng, chính vì vậy, đã tạo môi trường thích hợp cho các nhóm Động vật đáy cư trú, thể hiện rõ mối quan hệ giữa thảm thực vật và các nhóm động vật sống dưới đó. Mặt khác, các nhóm Động vật đáy còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố của môi trường vùng cửa sông, ven bờ, như độ mặn của nước và nhiệt độ của vùng. Độ mặn của nước biển ven bờ phụ thuộc vào lượng mưa của lục địa, lượng nước ngọt của cửa sông, làm giảm độ mặn, là những trở ngại rất lớn cho các sinh vật ven bờ, trong đó có Động vật đáy. Lượng mưa của lục địa và ven bờ phụ thuộc rất lớn vào khí hậu, nếu khí hậu thay đổi, dẫn đến lượng mưa thay đổi, nếu sự thay đổi cực đoan thì mức độ ảnh hưởng cực lớn tới các nhóm sống trong nước. Đồng thời, do tác động của khí hậu toàn cầu biến đổi theo chiều hướng nóng lên, dịch chuyển các đới khí hậu, làm cho mực nước biển dâng cao, môi trường của rừng ngập mặn biến đổi, Động vật đáy sống dưới đó cũng phải biến đổi theo, ảnh hưởng đến khai thác, nuôi trồng các loài Động vật đáy có giá trị kinh tế. |
Thông tin dữ liệu nguồn
Thư viện | Ký hiệu xếp giá | Dữ liệu nguồn |
---|---|---|
Viện Tài nguyên và Môi trường - ĐHQGHN |
|
https://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/10282 |